Phát triển hệ thống trạm sạc xe điện: Việt Nam có thể tham khảo mô hình nào từ các nước châu Á?

Trang Trang
Thứ sáu, 18/07/2025 12:00 PM (GMT+7)
A A+

Trước xu hướng chuyển đổi sang phương tiện xanh, TP Hà Nội đang lấy ý kiến cho dự thảo Nghị quyết phát triển hệ thống trạm sạc điện. Tuy nhiên, việc thiếu quy hoạch, quy chuẩn và hành lang pháp lý đang đặt ra nhiều thách thức cho thành phố.

Hà Nội thiếu hạ tầng và cơ sở pháp lý cho xe điện

Theo báo cáo từ Sở Xây dựng Hà Nội, nhu cầu sử dụng xe điện trên địa bàn dự kiến sẽ tăng mạnh trong năm tới, tuy nhiên hệ thống hạ tầng hiện tại vẫn chưa đáp ứng được tốc độ phát triển này. 

Thành phố hiện chưa có quy hoạch tổng thể cho mạng lưới điện và các trạm sạc xe điện. Cùng với đó, chưa có quy chuẩn thống nhất về trạm sạc nên các nhà sản xuất và nhà cung ứng gặp khó khăn trong việc triển khai trạm dùng chung.

a261

Ngoài ra, việc xã hội hóa đầu tư vào trạm sạc cũng đang bị "mắc kẹt" do thiếu khung pháp lý rõ ràng về quản lý, vận hành và giá dịch vụ sạc điện. Trong khi đó, các doanh nghiệp vẫn dè dặt với mô hình đầu tư khi chưa xác định được cơ chế sinh lời lâu dài và ổn định.

Việt Nam có thể học hỏi gì từ các nước?

Theo một số chuyên gia, để giải quyết bài toán hạ tầng trạm sạc đang đặt ra với xe máy điện, Việt Nam có thể tham khảo mô hình quy hoạch của các đô thị lớn tại Trung Quốc, quốc gia hiện có tới hơn 400 triệu xe máy điện đang lưu hành.

Mỗi trạm sạc ở Trung Quốc chỉ chiếm diện tích dưới 5 m2, có từ 6 đến 20 cổng sạc, được đặt tại các vị trí thuận tiện như hầm chung cư, bãi giữ xe công cộng, siêu thị, trạm xe buýt, ki-ốt hay khu dân cư đông người. 

Chi phí đầu tư cho mỗi trạm chỉ vài chục triệu đồng nhưng có thể phục vụ hàng trăm lượt sạc mỗi ngày, đặc biệt hiệu quả với nhóm tài xế công nghệ và người thường xuyên di chuyển.

99a87c4311d6a788fec7-175274203-9

Trạm sạc ở Trung Quốc được tích hợp công nghệ điều khiển từ xa qua ứng dụng điện thoại. Người dùng có thể dễ dàng định vị trạm gần nhất, đặt giờ sạc, theo dõi mức pin và thanh toán qua WeChat hoặc Alipay. 

Ngoài ra, hệ thống còn cho phép quản lý phụ tải theo thời gian thực, tự động chuyển sang sạc vào giờ thấp điểm để tránh quá tải điện lưới và giảm chi phí vận hành.

Một điểm đáng học hỏi từ Trung Quốc là công tác phòng cháy chữa cháy. Chính phủ nước này đã cấm hoàn toàn việc sạc điện trong hành lang, cầu thang hay lối thoát hiểm của chung cư. 

Các trạm sạc công cộng bắt buộc phải trang bị cảm biến nhiệt, hệ thống tự ngắt điện khi phát hiện sự cố và kết nối trực tiếp với cơ quan phòng cháy chữa cháy địa phương để đảm bảo giám sát 24/7.

Trung Quốc cũng phát triển mạnh mô hình trạm đổi pin, giúp người dùng chỉ mất 1 - 2 phút để thay pin mới.Các hãng xe điện lớn tại đây đã thống nhất sử dụng chuẩn pin 48V hoặc 60V, có thể hoán đổi chéo giữa nhiều mẫu xe và hãng xe khác nhau, từ đó giảm phụ thuộc vào hạ tầng sạc truyền thống.

82-1140x855-1752742554-8178-1752

Không chỉ Trung Quốc, nhiều quốc gia châu Á khác cũng đang có những chính sách sáng tạo để thúc đẩy hạ tầng trạm sạc. 

Tại Hàn Quốc, các thành phố lớn như Seoul hay Busan tích hợp trạm sạc xe máy điện vào các điểm giao thông công cộng như bãi đỗ xe đạp, trạm metro, bến xe buýt. Nhờ đó, người dân có thể tranh thủ sạc xe trong lúc chuyển tuyến, vừa tiết kiệm thời gian, vừa tối ưu hóa không gian đô thị.

Trong khi đó, tại Indonesia và Ấn Độ - hai quốc gia có điều kiện kinh tế và giao thông gần với Việt Nam, chính phủ chủ động hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân đầu tư hạ tầng. 

Ở Ấn Độ, các công ty được ưu đãi thuế, cấp đất công miễn phí để xây dựng trạm sạc, đổi lại phải triển khai tại các khu vực thu nhập thấp, phục vụ đa dạng tầng lớp dân cư.

Góp ý / Báo lỗi
Xem thêm